Bè Tre Việt Nam Du Ký – 5500 Dặm Vượt Thái Bình Dương
Đây là cuốn sách mà mình thích vô cùng. Càng đọc càng không thể rời ra khỏi sách và khi tới những chương cuối mình cứ mong sẽ không kết thúc nhanh như vậy. Những cảm xúc từ vui tươi, tò mò, đến giận dữ, hồi hộp và tự hào theo mình từ đầu đến trang cuối của sách.
Bè tre Việt Nam Du Ký – 5500 dặm vượt Thái Bình Dương là cuốn hồi ký được viết bởi “thánh phượt” Tim Severin. Tim là một chuyên gia nguyên cứu về lịch sử và văn hóa, ông có sở thích là thực hiện lại các chuyến hành trình của người xưa mà ngày nay chúng ta chỉ được biết thông qua những huyền thoại hay thần thoại. Một vài chuyến đi nổi tiếng của Tim là chuyến vượt đại dương bằng con thuyền gỗ phỏng theo chuyến đi của Thuyền trưởng Sinbad, hay các chuyến đi vượt xa mạc mô phỏng lại hành trình của con đường tơ lụa huyền thoại. Và chuyến đi vượt Thái Bình Dương bằng bè tre này cũng là một trong những chuyến đi siêu “ngầu” của Severin.
Khi đọc cuốn sách này, các bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên là sự ngạc nhiên trước sự bá đạo của Tim Severin qua những chuyến đi trước đây của ông. Sau đó là ngạc nhiên khi biết được khả năng tuyệt vời của chiếc bè tre mỏng manh trước sự dữ dội của biển cả. Tiếp đến là sự ngạc nhiên về tinh thần lao động và lòng hiếu khách tuyệt vời của người dân Sầm Sơn, những người đã trực tiếp tạo ra chiếc bè tre này. Và bạn sẽ phải nhiều lần thốt lên vì những điều “không thể tin được” diễn ra thường xuyên trên suốt cuộc hành trình kéo dài hơn 6 tháng trên đại dương nguy hiểm nhất hành tinh của chiếc bè tre và thủy thủ đoàn 5 người này.
Chuyến đi này được Tim thực hiện để kiểm chứng lại các huyền thoại về việc vượt Thái Bình Dương bằng bè tre của người xưa cách đây hàng trăm hay hàng ngàn năm. Ông đã tìm đến Sầm Sơn, Việt Nam để đóng một chiếc bè tre với kỹ thuật truyền thống của làng chài nơi đây. Toàn bộ chiếc bè tre được làm bằng nguyên liệu tự nhiên như những chiếc bè trong huyền thoại. Trên chiếc bè này hoàn toàn không có một cây đinh, cọng thép hay hay một sợi dây nilong nào. Thân bè làm bằng những cây tre được buộc lại với nhau bằng lạt. Những sợi dây thừng được làm bằng dây rừng. Những chiếc cột buồm bằng gỗ được cố định bằng những khớp nối bằng gỗ. Tim muốn kiểm chứng xem một chiếc bè “cổ lỗ sĩ” như thế này thì có thể chịu đựng được bao lâu và đi được bao xa trên đại dương đầy cuồng nộ kia.
Ký họa hình ảnh người dân Sầm Sơn kéo lưới hàng sáng
Sau gần 1 năm từ ngày đầu tiên đến Việt Nam, chiếc bè đã được hoàn thiện và sẵn sàng ra khơi. Từ đây, Tim và thủy thủ đoàn 4 người bao gồm anh Lương Viết Lơi – một ngư dân và thợ mộc lành nghề, người đã tham gia chế tạo chiếc bè này từ những ngày đầu tiên, bắt đầu cuộc hành trình lịch sử kéo dài hơn 6 tháng trên Thái Bình Dương vĩ đại.
Ngày chiếc bè tre của chúng ta hạ thủy
Tác giả đã viết lại hành trình kéo dài hơn 6 tháng này bằng một giọng văn đơn giản nhưng tinh tế, chân thực và hài hước vô cùng. Chiếc bè nhỏ của chúng ta và thủy thủ đoàn đã trải qua vô số các trải nghiệm “có một không hai” và “không thể tin được.” Đó là khi họ gặp phải cướp biển trên biển Nhật Bản. Khi họ chống chọi với những cơn bão lớn của đại dương, những cơn bão mà những chiếc tàu hiện đại giá hàng triệu đô cũng phải trốn tránh. Đó là những khi họ câu được những con cá mập mạp chắc thịt để bổ sung vào khẩu phần eo hẹp. Hay những lúc họ dùng chiếc cung tên tự chế để bắn cá khi mà không câu được. Hoặc là những lúc họ được giáp mặt với cá mập, cá voi sát thủ và cá voi lưng gù khổng lồ.
Ký họa con cá mập hay bơi lảng vảng theo bè
Một con bạch tuộc lớn bơi ngang qua mảng cũng được ký họa lại
Bạn sẽ phải thán phục sự can đảm, kiên cường và sáng tạo của thủy thủ đoàn. Lênh đênh trên Thái Bình Dương trên một con thuyền hiện đại đã ẩn chứa đầy mối nguy hiểm chứ đừng nói chi tới chiếc bè tre mỏng manh mà tác giả hay mô tả là “một cái tổ chim trôi nổi.” Sau mỗi cơn bão thì chiếc bè lại bị sứt mẻ một chút. Có lúc thì rách buồm, lúc thì gãy cột buồm, lúc thì bung các mối buộc giữa những thanh tre. Khi những “sự cố” như vậy xảy ra, các thành viên trong thủy thủ đoàn đều nhanh chóng khắc phục và sửa chữa với tay nghề thành thạo và sự sáng tạo tuyệt vời của họ.
Ký họa một ngọn núi khi bè tre đi vào biển Nhật Bản
Ngoài những hư hỏng về chiếc bè, chuyến đi nguy hiểm và dài ngày với điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn cũng ảnh hưởng rất nhiều tới những người “sống” trên chiếc bè đó. Bản thân tác giả là một người đi biển chuyên nghiệp, đã vượt đại dương nhiều lần cũng không tránh khỏi một tai nạn khiến ông bị gãy hai cái xương sườn. Tuy bị thương nặng nhưng ông vẫn ở lại bè đến cùng. Cơ thể của những thành viên của thủy thủ đoàn cũng tiều tụy hơn. Nhưng người bị ảnh hưởng nặng nhất chính là anh Lương Viết Lợi.
Tim Severin (người đứng giữa) và thủy thủ đoàn tuyệt vời của mình. Anh Lương Viết Lợi mặc bộ đồ chống ẩm màu xanh dương sáng, mang ủng màu trắng.
Anh Lợi là người được sinh ra và sống với biển, vì thế biển cũng là cuộc sống anh. Anh luôn là người đầu tiên xung phong làm mọi điều trên con bè này từ lái bè, chỉnh buồm, khâu buồm, cột lại các mối lạt lỏng, sửa chữa cột buồm, nấu ăn, dọn dẹp… anh luôn hoàn thành công việc của mình hoàn hảo và là thành viên không thể thiếu trên chiếc bè này. Thế nhưng vì khác biệt ngôn ngữ, anh Lợi không thể giao tiếp với những thành viên khác, những người từ Châu Âu có thể dùng Tiếng Anh thành thạo. Và bản thân mình cực kỳ khâm phục Lương Viết Lợi ở điểm này. 6 tháng lênh trên biển mà không thể giao tiếp với người khác thì chúng ta sẽ cô đơn biết bao nhiêu. Mặc dù đã có lúc anh lợi rơi vào trầm cảm, nhưng anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, thuyền trường Tim Severin đã rất tâm lý, ông luôn tìm cách giúp Lợi giải tỏa nỗi niềm của mình.
Hình ảnh chiếc bè được ký họa lại trong những ngày cuối cùng
Chuyến đi này đã thành công mặc dù chiếc bè không thể tới được điểm đến như kế hoạch vì những hư hỏng nghiêm trọng xảy ra. Sau 5500 dặm (khoảng 8800Km = đi 2 vòng từ HCM ra HN và quay lại), tức 5/6 quãng đường dự tính (quãng đường vượt Thái Bình Dương là 6500 dặm), Tim và thủy thủ đoàn phải bỏ bè để lên một chiếc tàu chở hàng vì chiếc bè không còn đủ an toàn cho chặng đường còn lại. Tuy vậy, chiếc bè đã chứng minh khả năng bền bỉ “không thể tin được” của mình trước Thái Bình Dương đầy bão táp.
Bè tre Việt Nam Du Ký – 5500 dặm vượt Thái Bình Dương là cuốn sách mà bạn không thể bỏ qua nếu bạn yêu thích du lịch, yêu thiên nhiên và yêu những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn. Khi đọc cuốn sách này, chắc chắn bạn sẽ ước rằng một ngày nào đó bản thân mình cũng sẽ thực hiện một chuyến đi để đời như vậy. Một chuyến đi mà khi kể lại, ai nghe cũng phải há hốc mồm “không thể tin được!”
Đọc thêm: Tổng Hợp Review Những Cuốn Sách Hay Nên Đọc Một Lần Trong Đời