Đừng Nhầm Lẫn Giữa Cái Tôi và Lòng Tự trọng

cái tôi và lòng tự trọng

“Khi cái tôi của người đàn ông lắng xuống, cái vĩ đại của một chiến binh trỗi dậy”

Nhiều người cho rằng ai có Lòng Tự Trọng lớn sẽ có cái Tôi lớn. Vậy phải chăng cái Tôi và Lòng Tự Trọng là hai yếu tố tương hỗ cho nhau, đồng biến với nhau? Phải chăng cái Tôi là Lòng Tự Trọng và Lòng Tự Trọng chính là cái Tôi?

Tôi không nghĩ vậy.

Cái Tôi là cách mà con người đặt bản thân vào vị trí trung tâm nhất, cái vị trí cao nhất, quan trọng nhất trong các ngữ cảnh xã hội. Cái Tôi cần khán giả. Nói cách khác, nếu không có khán giả hay những người bị ảnh hưởng thì sẽ không có cái Tôi.

Cái Tôi cần sự ủng hộ, tán thưởng của đám đông xung quanh. Khi có được sự thỏa mãn, cái Tôi sẽ nói “Ồ nhìn kìa, mọi người đang tán thưởng tôi đấy, họ thật sự nể trọng tôi. Nếu không có tôi, họ sẽ chẳng làm nên cái trò trống gì cả.” Khi bất mãn, cái Tôi sẽ nghiến răng “Chúng nó thật ngu ngốc. Bọn chúng không bao giờ biết được và hiểu được tôi tài giỏi như thế nào. Cuộc đời này thật bất hạnh và bất công khi mà xung quanh tôi chỉ toàn một lũ ngu ngốc.” Cái Tôi nó ồn ào và xáo trộn như vậy đấy.

Lòng Tự Trọng là cách mà chúng ta hiểu rõ, trân trọng và tin tưởng vào bản thân mình. Lòng Tự trọng không cần khán giả, nó chỉ cần bản thân hạnh phúc và thanh thản. Cho dù bị cộng đồng, xã hội vùi dập như thế nào đi nữa, Lòng Tự Trọng vẫn luôn tìm được bến bình yên cho nó bởi vì nó đâu cần để tâm đến những gì mà những khán giả, các “nhà phê bình”, hay những kẻ tán dóc nói gì về nó. Nó chỉ cần tin rằng việc nó làm là đúng và hợp lý với bản thân nó. Nó trân trọng hành động, suy nghĩ và chính con người nó. Nó cứ ngẩng cao đầu mà bước tới giống như cái cách mà chàng kỹ sư Howard Roark* bình thản xây dựng những công trình bị người đời cho là quái đản, thảm họa, thậm chí là vô giáo dục. Lòng Tự Trọng nó tĩnh lặng và an lành.

*Howard Roark là nhân vật chính trong tiểu thuyết triết học nổi tiếng Suối Nguồn của nhà văn người Mỹ gốc Nga Ayn Rand. Tiểu thuyết này kể về cuộc đời và sự nghiệp của chàng kiến trúc sư trẻ Howard Roak. Anh theo đuổi triết lý kiến trúc hiện đại và giản đơn, không cầu kỳ và pha tạp như thị hiếu xã hội Mỹ lúc bấy giờ (những năm 1920). Vì thế anh bị cả cộng đồng kiến trúc và ngành xây dựng lúc bấy giờ vùi dập, khinh bỉ và thóa mạ trong nhiều năm.

Dù vậy Howard không hề thù hận hay ghen ghét một ai. Anh tìm thấy niềm vui trong những bản vẻ, khung thép, tấm kiếng, và khối bê tông của những tòa nhà anh thiết kế và xây dựng. Anh hạnh phúc với việc được làm công việc mình yêu thích chứ không phải với sự bàn tán nhận xét bên ngoài. Và những công trình của anh dần dần trở thành biểu tượng của một nước Mỹ hiện đại.  

Vì thế đừng nhầm lẫn một kẻ có cái Tôi lớn là người tự trọng. Kẻ có cái Tôi càng lớn thì càng có ít tự trọng. Bởi vì kẻ có cái Tôi lớn không biết cách tự trân quý bản thân mình nên hắn bắt người khác phải yêu quý hắn, nể trọng hắn, tôn sùng hắn.

Khi người khác không thỏa mãn cái Tôi ấy, hắn sẽ nổi xung lên, quát tháo, bạo lực, đe dọa, sử dụng thủ đoạn để bắt khán giả phải vỗ tay khen thưởng. Hoặc có chăng, khi hắn bất lực với việc ép buộc người khác, hắn sẽ van xin lòng thương xót, hãy ca ngợi hắn dù chỉ trong chốc lát. Khi van xin cũng trở nên vô nghĩa, hắn tự giam mình, nguyền rủa xã hội, bất cần đời, nghiện ngập, phạm tội và tự vẫn.

Trái với những kẻ có cái Tôi lớn luôn tìm kiếm động lực từ đám đông ồn ào bên ngoài, người tự trọng có sẵn nguồn động lực vô biên từ những giá trị và niềm tin cá nhân bên trong họ. Những niềm tin và giá trị ấy có thể tương tự hoặc trái ngược hoàn toàn với những niềm tin và giá trị của xã hội. Nhưng sự trái ngược ấy không là rào cản với người tự trọng. Khi nào sự trái ngược ấy còn mang lại sự an lành cho họ thì họ vẫn trân trọng nó.

Nếu được tán thưởng, họ sẽ chân thành biết ơn và giữ điều ấy làm động lực. Nếu bị phản bác, họ trân trọng tiếp thu, hỏi han tìm hiểu và tự vấn bản thân. Nếu họ thấy bản thân sai, họ sẽ vô cùng biết ơn và khắc phục lỗi lầm. Nếu họ thấy bản thân đúng, họ sẽ cười xòa “mọi người chỉ là hiểu lầm mình thôi, từ từ họ sẽ hiểu mình, mình sẽ chứng minh điều ấy.” Một người tự trọng sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc và yên bình trong mọi hoàn cảnh. Họ ôn hòa, cư xử nhã nhặn, nói năng từ tốn và luôn sẵn lòng chia sẻ.

Điều quan trọng là cái Tôi và Lòng Tự Trọng luôn tồn tại trong bản thân chúng ta giống như hai con sư tử trong một khu rừng. Chúng sẽ luôn đấu tranh với nhau để giành ngôi vị Chúa Tể. Chúng ta cho con nào ăn nhiều hơn thì con ấy sẽ giành chiến thắng. Hãy luyện tập kìm chế cái Tôi và nuôi dưỡng Lòng Tự Trọng. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên ý nghĩa và yên bình.

bình luận