Đánh tráo khái niệm – hãy cẩn thận với loại nội dung này
Sáng nay Ngộ Không đọc bài sau:
“CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
1. Người phát minh ra máy chạy bộ đã qua đời ở tuổi 54.
2. Người phát minh ra dụng cụ thể dục đã qua đời ở tuổi 57.
3. Nhà vô địch thể hình thế giới đã qua đời ở tuổi 41.
4. Cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới – Maradona qua đời ở tuổi 60.
NHƯNG…
5. Người sáng lập KFC qua đời ở tuổi 94.
6. Nhà sáng lập thương hiệu Nutella (mứt & chocolate) qua đời ở tuổi 88.
7. Ông chủ thương hiệu thuốc lá Winston qua đời ở tuổi 102.
8. Người tìm ra thuốc phiện chết ở tuổi 116 trong một trận động đất.
9. Chủ hãng rượu Hennessy qua đời ở tuổi 98.
Làm thế nào mà các bác sĩ đã đi đến kết luận là tập thể dục kéo dài tuổi thọ?
Con thỏ luôn chạy nhảy và nó chỉ sống được 2 năm, còn con rùa không vận động gì sống được 400 năm…
Trái tim của con người đập được khoảng 2 tỷ lần trước khi dừng hoàn toàn. Vì vậy, càng làm cho nó đập nhanh, ngày nó dừng đập đến càng gần. Hãy nhìn xem, chẳng có vận động viên đỉnh cao nào sống thọ cả.”
– – – – –
Đọc bài này xong, thấy ngứa mắt quá nên Ngộ Không phải viết vài dòng phản biện.
Người phát minh ra máy chạy bộ thì chắc gì đã sống lành mạnh. Người phát minh ra KFC, tìm ra thuốc phiện chắc gì đã sử dụng chúng.
Nói về KFC thì người phát minh ra nó là một cấp tá quân đội nghỉ hưu, đã rèn luyện sức khỏe và kỷ luật hàng chục năm. Đến khi nghỉ hưu ông mới chế ra món KFC và mang đi bán bản quyền công thức chế biến.
Môn thể hình nếu tập để thi đấu chuyên nghiệp thì không phải là môn thể thao tốt cho sức khỏe. Nhìn to con, cơ bắp vậy chứ VĐV thể hình có sức đề kháng rất yếu vì hầu như không sử dụng muối để giữ cho cơ sắc nét. Maradona chết sớm ko phải do thể thao, mà do lối sống trụy lạc vô kỷ luật sau khi giải nghệ.
Rùa và thỏ thì liên quan gì với nhau. 2 con sống trong 2 môi trường khác nhau, nguồn thức ăn và kẻ thù khác nhau, cấu tạo cơ thể khác nhau sao mà so sánh được. Sao không so sánh con rùa với cá mập, cá voi đó. Mấy con cá đó nó bơi kinh khủng khiếp mà vẫn sống mấy trăm năm đấy thôi.
Ngoài ra, trái tim và hầu hết các bộ phận của cơ thể con người đều có cơ chế tự phục hồi. Đặc biệt với trái tim, trong điều kiện lý tưởng trái tim có thể hoạt động vĩnh cửu. Việc tập luyện đều đặn, và dinh dưỡng phù hợp, cơ thể cân đối giúp tạo ra điều kiện tốt hơn để tim và các cơ quan cơ thể khác hoạt động và phục hồi.
Kiểu lập luận của bài này là đánh tráo khái niệm, lấy những thứ có vẻ liên quan đến nhau để giải thích và biện minh cho những thứ không liên quan đến nhau. Mới đọc vô thì thấy rất hợp lý. Kiểu là bác sỹ thì không bao giờ bệnh. Hoặc bác sỹ mà còn bị ung thư thì tất cả sẽ bị ung thư.
Kiểu bài này Ngộ Không thấy rất nhiều trên MXH, và còn được chia sẻ khá nhiều. Vì nó hay dùng để biện minh cho 1 thói hư tật xấu của bản thân và xã hội.
Bài này thật ra viết chưa khéo, nên dễ thấy được sự bất hợp lý. Ngộ Không đã từng đọc những bài được viết vô cùng khéo, người viết dẫn dắt từ từ và khiến cho người đọc khó tìm ra điểm bất hợp lý.
Nhưng sau khi nhìn lại tổng thể thì nó cũng là kiểu “A như vậy thì B cũng như thế.”
Kẻ không khéo thì viết thẳng là A với B. Còn kẻ khéo hơn thì sẽ biến tấu A B một chút, và xen kẽ A1, A2, B1, B2 … vào giữa để dẫn dắt.
Có nhiều bạn nói là chỉ share bài này lại vì vui là chính. Ngộ Không hoàn toàn đồng ý với việc sử dụng dạng nội dung kiểu này để làm nội dung vui. Nhưng nếu vui thì kết luận phải vui, chứ kết luận của bài bên trên không hề vui, mà nó hoàn toàn phản khoa học.
Nếu bạn muốn chia sẻ gì, đừng chỉ đọc qua loa thấy hợp lý xíu là share. Hãy cẩn thận, dừng lại, đọc kỹ hơn và tự phản biện.
Hãy là người chia sẻ có trách nhiệm.