Học Sinh Cá Biệt Và Cô Giáo Mỹ Thuật – Câu Chuyện Về Lòng Trắc Ẩn

lòng trắc ẩn và lòng tốt

“Tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy.”

Hồi lớp sáu hay lớp bảy gì đó, trong lớp tôi có một bạn học sinh cá biệt. Tôi quên mất tên rồi, và tôi cũng không biết nên gọi bạn ấy là “anh” hay “cô” vì bạn ấy ở giữa, nên tôi sẽ chọn gọi là “bạn”. Bạn có tính tính khí ngỗ nghịch, hay nói năng bậy bạ và đã bị lưu ban tới ba năm vì học lực rất kém. Năm đó, nhà trường quyết định sẽ buộc thôi học bạn. Và bạn cũng không bất ngờ gì, vì có lẽ đây là điều mà bạn đã trông chờ từ lâu.

Theo trí nhớ non nớt của tôi lúc đó thì hầu hết giáo viên đều không ưa bạn, đặc biệt là các cô giám thị. Tôi nhớ như in một lần bạn bị cô giám thị la mắng, tiếng rầy la rất lớn tiếng ở ngoài hành lang, ngay cả chúng tôi ở trong lớp cũng thấy sợ. Bạn cũng đáp trả lại. Rồi cô tát bạn. Và bạn tát lại cô. Hai cái tát này như là sự bùng phát sau một thời gian dài kìm nén, giống như hai con trâu cố lao vào húc nhau nhưng mỗi con lại bị cột vào một gốc cây. Chúng luôn chạm được sừng vào nhau nhưng không bao giờ húc nhau được. Và khi hai sợi dây giằng buộc đều bị đứt, chúng lao vào nhau như lẽ sống cuối cùng. Tất cả nổ tung giữa hai con người có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại nhau lần nữa.

Tôi ngồi bàn đầu, nhìn thẳng ra cửa, chứng kiến toàn bộ sự việc ấy với sự hoang mang cực độ. Và tôi cũng chứng kiến những sự việc khác.

Tới giờ học vẽ, giờ học tuyệt vời nhất đối với tôi. Cô giáo mỹ thuật hướng dẫn đề tài rồi cho cả lớp tập vẽ. Trong lúc mọi người say sưa với những cây bút sáp màu thì cô gọi bạn lên nói chuyện. Bạn lên, khoanh tay và cúi đầu chào cô. Có lẽ cô là người duy nhất trong trường này được bạn chào kính trọng như vậy. Cô nói chuyện với bạn nhẹ nhàng như đọc thơ. Cô hỏi bạn định làm gì sau khi nghỉ học. Tôi không thể nghe được câu trả lời của bạn. Và cũng không nhớ phần còn lại của cuộc đối thoại. Tôi chỉ nhớ cuối cùng cô nói rằng cô sẽ giúp đỡ bạn nếu bạn gặp khó khăn trong cuộc sống. Bạn cảm ơn cô và về lại chỗ ngồi. Tôi cũng nhớ rất rõ những giọt nước mắt của bạn.

“Lòng trắc ẩn là khả năng đối xử với người khác tốt hơn mức mà bạn nghĩ họ đáng được nhận.” 

Sau bao nhiêu năm, hình ảnh về người bạn ngỗ nghịch, cô giám thị và cô giáo mỹ thuật vẫn luẩn quẩn trong tôi. Rồi tôi nhận ra rằng, nếu chỉ chăm chăm bơi móc những sự việc và hành động trong quá khứ của một con người thì chúng ta sẽ không bao giờ đồng cảm được với họ. Điều cần làm và nên làm là nhìn vào những điều người ấy có thể làm trong trong tương lai để tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho họ. Giống như cô giáo mỹ thuật của tôi. Cô tập trung vào tương lai của bạn. Vì quá khứ đã là quá khứ, có bơi móc nó ra cũng vô nghĩa. Cô chứng minh cho tôi rằng lòng trắc ẩn, sự tử tế và sự đồng cảm sẽ làm cuộc sống này tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Những giọt nước mắt của bạn là một minh chứng xót xa cho những điều tốt đẹp ấy.

lòng trắc ẩn và lòng tốt nhà giáo việt nam

Đây là bức tranh tôi vẽ cô giáo mỹ thuật của mình

bình luận