Chuyện Vợ Chồng Người Ta – Mệnh Làm Trai Trong Đời

chuyện vợ chồng

Khi còn ở quận Bình Thạnh, gần nhà tôi có hai cặp vợ chồng mà tôi vô cùng biết ơn vì họ dạy tôi rất nhiều điều.

Cặp thứ nhất

Ngay trước cửa nhà tôi có hai vợ chồng bán bột chiên. Thời gian đầu họ chỉ bán bột chiên, vợ 1 xe, chồng 1 xe ở hai nơi khác nhau. Chị vợ bán ở khu chợ từ chiều cho tới 7-8 giờ tối rồi ra chỗ trước nhà tôi phụ chồng bán đến 11g đêm. Tôi thường xuyên thấy họ cùng nhau dọn dẹp đến gần nửa đêm rồi cùng nhau đẩy xe bột chiên về khu trọ.

Sau này, chị chuyển qua bán bún bò cũng ở trước nhà tôi luôn. Sáng 5 giờ đã thấy hai anh chị mở tiệm. Chị bán còn anh đi chợ mua đồ chuẩn bị cho ngày hôm sau. Cứ vậy, họ tất tảo lao động trước nhà tôi hơn 2 năm, buổi sáng bán bún bò và buổi chiều bán bột chiên.

Anh chị có một bé gái khoảng 6-7 tuổi, ở quê với ông bà, đến hè được nghỉ học mới vào Sài Gòn chơi với bố mẹ. Gọi là chơi chứ chủ yếu là phụ bố mẹ bán hàng vì anh chị ngày nào cũng làm quần quật từ 4g sáng tới gần nửa đêm thì thời gian đâu mà dẫn bé đi chơi.

Anh chị nói là cố gắng làm kiếm tiền trả nợ xây nhà ngoài quê rồi tiết kiệm cho bé. Cả hai rất hiền lành, chăm chỉ, vui vẻ nên xả xóm ai cũng thương, được cho thuê vỉa hè rẻ. Nhiều lúc tôi ra đó ăn chỉ là để nhìn cặp vợ chồng này làm việc.

Trước khi tôi chuyển nhà, anh chị ấy đã thuê được nguyên căn nhà. Trên lầu thì ở, bên dưới thì mở tiệm bún bò và bột chiên khang trang, không phải bán vỉa hè nữa. Tôi thấy mừng cho họ.

chuyện vợ chồng

Cặp thứ hai

Cách đó 2 căn nhà là cặp vợ chồng khác, cũng thuê mặt bằng làm ăn. Cặp đôi này “có học thức hơn”, họ mở tiệm thuốc tây nho nhỏ và có một bé trai 3 tuổi. Thấy vỉa hè phía trước rộng rãi, chị bán thêm đồ ăn, lúc thì cơm tấm, súp, rồi cả bún riêu. Chị làm việc quần quật mà còn phải trông thằng cu nữa. Còn anh chồng cao to, đẹp trai, nghe nói là kỹ sư gì gì đấy không biết, nhưng tôi thấy cả ngày ôm điện thoại chơi game.

Anh chồng này ăn bám vợ giỏi cực kỳ. Thi thoảng tôi đi ra chợ mua đồ là thấy ổng ngồi một đống ở quán cà phê, cắm mặt vào điện thoại. Chị vợ thì ngày càng teo tóp, ổng thì cứ phơi phới đi cà phê, xem bóng banh.

Vài lần tôi qua mua thuốc nhưng đều không có hàng, tôi hỏi là dạo này bán chạy lắm à. Chị tiu nghỉu trả lời “ổng có đi lấy hàng đâu thì lấy gì mà bán, chị phải trông thằng nhỏ không đi được, mình lấy có một ít người ta không có giao.” Tôi nghe mà thấy xót xa cho chị và muốn nhấn cái mặt thằng cha kia vào nồi nước lèo.

Chị làm bún riêu ngon lắm, tôi cũng hay ăn. Có thời gian tôi nghiền món này, tuần ăn cả 7 ngày. Khách ăn cũng kha khá. Chị bán đến tận 12 giờ đêm, thằng bé không được ngủ sớm nên xanh xao vàng vọt, ốm tong ốm teo. Còn ông chồng thì vừa dọn hàng vừa cằn nhằn, lại còn la mắng thằng nhỏ. Nhìn ổng mà tôi muốn cho con Ky Ky nhà tôi ra tạp cho vài phát và nhằn cho vài phút.

Một mình chị vừa bán, vừa dọn dẹp, vừa trông con nên chất lượng đồ ăn và vệ sinh cứ tụt dốc dần dần. Thi thoảng tôi qua ăn vì thấy chị ế quá. Nhìn cái tủ đồ ăn ruồi bu đầy thì làm sao có ai dám ăn. Trong khi đó ông chồng vẫn cứ cắm mặt vô cái điện thoại, ruồi bu miếng ăn mà cũng không biết đuổi.

Được gần 2 năm thì tiệm thuốc đóng cửa và tôi cũng không biết anh chị ấy đi đâu.

Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh. Thế nhưng làm trai tráng thì phải ra trai tráng. Nếu không có khả năng lo được cho bản thân thì ở nhà ăn bám bố mẹ, đừng ăn bám vợ, nhục lắm. Trong xã hội hiện đại, có những người phụ nữ cực giỏi, họ lăn lộn làm ăn nên người chồng lui về quán xuyến gia đình, đó là người đàn ông dũng cảm và đáng kính. Những loại đàn ông vừa ăn bám vợ, vừa lười việc nhà, còn thêm thói gia trưởng nữa thì tệ hại không còn gì để nói. Làm đàn ông thì phải ra đàn ông, nếu không thể gánh cả bầu trời, giang sang đất nước, thì cũng phải cùng vợ gánh cái mái nhà của mình.

bình luận