3 Góc Nhìn Về Việc Đi Thực Tập Cho Sinh Viên

Hồi đi thực tập ở Ngân Hàng HSBC, anh giám đốc hỏi mình muốn lương như thế nào, mình trả lời ngay là không cần lương, chỉ cần được làm. Mình thực tập ở HSBC 6 tháng, tháng đầu mình nhận lương 1,6 triệu. Các tháng sau mình nhận 3,2 triệu. Lúc được tăng lương, mình vui hết lớn, vì đâu có được thông báo gì đâu, tự dưng cuối tháng gần đến ngày nhận lương thì sếp gọi vào bảo được tăng lương.

Hiện tại, mình có công ty riêng, cũng có vài bạn thực tập. Mình cũng đang làm cho 1 công ty khác, cũng quản lý vài bạn thực tập.

Mình đã tổ chức khá nhiều khóa học về Digital Marketing, là trainer ở IMgroup – trung tâm đào tạo kinh doanh online, là giảng viên của FPT Skillking – trường đào tạo Full-stack Digital Marketing theo chương trình của Ấn Độ. Và từng được gọi đi dạy ở một trường đại học. Nên mình đã xem qua và trực tiếp dạy kha khá các loại giáo án.

Mình kể các thông tin ở trên để bạn biết rằng mình cũng từng đi thực tập, là người sử dụng lao động, và cũng là người đào tạo các bạn sinh viên. Mình sẽ chia sẻ quan điểm về việc đi thực tập theo cả 3 góc nhìn.

1 – Góc nhìn sinh viên

Hồi đó mình chỉ muốn được làm, xem coi công việc nó thực sự như thế nào. Mình cũng hay nghe nói là thực tập sinh thì chỉ bưng trà pha nước chứ không được làm gì. Hết 2 tháng lấy cái giấy xác nhận là xong. Mình xác định nếu công ty như vậy thì mình sẽ nghỉ sau 1 tuần. Mình muốn được làm việc thực tế, việc gì cũng được, nhưng phải là một hạng mục thực tế đóng góp vào hiệu quả công việc của công ty.

Rất may là khi vào HSBC thì mình được làm việc thực tế, HSBC có hẳn bộ công việc riêng cho thực tập sinh.

Thời gian làm việc ở HSBC mình học được rất nhiều thứ, biết được môi trường ngân hàng Quốc Tế là như thế nào. Mình để ý cách mọi người tương tác và làm việc với nhau, cách sếp quản lý và điều hành. Đến giờ, sau 10 năm, mình vẫn đang ứng dụng những bài học từ lúc thực tập.

Còn tiền bạc thì ai cũng cần, nhưng lúc học đại học, cũng học cả ngày, tối đi làm thêm. Thì tới khi đi thực tập cũng vậy thôi. Mình xác định thực tập cũng là đang học nên không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tiền bạc.

Tóm lại: từ góc nhìn là 1 sinh viên, mình mong muốn được làm việc thực tế. Một công ty cho phép mình làm việc thực tế, càng nhiều càng tốt, là 1 nơi tốt để thực tập.

2. Góc nhìn người sử dụng lao động

Mình và rất nhiều anh em bạn bè doanh chủ khác đều không có ý định “bóc lột” thực tập sinh (TTS). Vì thật ra các bạn cũng không có gì nhiều để bóc lột. Các kiến thức các bạn học trên trường không sử dụng được nhiều trong thực tế.

Khi nhận thực tập sinh, công ty sẽ phải chia nhân sự để hướng dẫn và quản lý TTS làm việc, sẽ phải tốn chi phí chỗ ngồi làm việc cho TTS. Trung bình chi phí chỗ ngồi cho 1 nhân sự làm việc là khoảng 1.5-3 triệu/tháng. Còn công cho nhân sự hướng dẫn TTS làm việc chưa tính.

Trong thực tế, công quản lý này cũng khá nhiều, trung bình mất 30-60 phút/ngày để hướng dẫn và quản lý các bạn. Tính ra 1 tuần hết 3-8 giờ làm việc, là 1/2-1 ngày công của nhân sự. Nói chung là chi phí (chưa tính lương) cho 1 TTS mà doanh nghiệp phải bỏ ra cũng không phải là ít.

Khi mình tuyển TTS, mình mong muốn các bạn sẽ học và thực hành hết sức để sau 3-6 tháng có thể lên thử việc (fresher) và rồi lên nhân viên chính thức. Công ty không rảnh để tuyển TTS vào đào tạo rồi bỏ đi không sử dụng, trừ khi bạn TTS đó không đạt yêu cầu. Những công ty bài bản sẽ luôn có lộ trình cho từng cấp nhân sự, kể cả TTS.

Mình cũng hay thử thách các bạn TTS cũng như Fresher bằng cách giao cho các bạn ấy 1 công việc “quá sức” của các bạn. Mình không cần các bạn phải thực hiện thành công công việc đó, cái mình cần là thái độ tiếp nhận và khả năng giải quyết các trở ngại, khó khăn như thế nào.

Ngoài ra, bạn cần biết rằng lương các bạn nhận được tương xứng với giá trị bạn mang lại cho công ty. Bạn vào công ty để thực tập, tức là để học, như vậy đã không phải đóng học phí đã là quá hời rồi. Giá trị các bạn góp cho công ty không bằng giá trị công ty trao cho bạn (kiến thức & trải nghiệm thực tế), thì sao bạn đòi lương cao được. Việc công ty hỗ trợ bạn 1-2 triệu là để bạn có động lực hơn thôi.

Còn nếu bạn có năng lực thật, mang lại nhiều giá trị cụ thể cho công ty, mình sẵn sàng nhận bạn vào làm nhân viên chính thức ngay, không cần thực tập hay thử việc gì hết.

Sẽ tùy công ty mà có mức hỗ trợ cho các bạn. Dao động từ 1-4 triệu/tháng, cũng có thể không có. Ở công ty của mình thì là 2 triệu.

Nếu bạn thực tập ở các Agency Global, bạn sẽ làm không có lương trong 6 tháng – 1 năm. Bù lại bạn được học và làm rất nhiều. Sau giai đoạn đó, nếu bạn qua được, thì lương là vấn đề không cần nghĩ.

Mình mong các bạn TTS cố hết sức học và làm việc. Tùy vào thái độ làm việc của bạn mà mình sẽ cân nhắc nên đào tạo thêm, hay cho làm thêm để vững kiến thức, nhanh chóng lên chính thức.

Tóm lại: Từ góc nhìn của người sử dụng lao động, mình quan tâm tới thái độ làm việc của TTS. Việc quan sát TTS làm việc, mình có thể quyết định bạn ấy có phù hợp với công ty hay không. Mình có lộ trình cho TTS và mong muốn TTS sẽ ở lại công ty làm việc sau khi thực tập, thử việc xong.

3. Góc nhìn người làm đào tạo (ngành Digital Marketing)

Về mức độ ứng dụng:

  • Chương trình đại học: ít ứng dụng nhất trong thời gian đầu khi mới ra trường, nhưng cung cấp kiến thức nền tảng để bạn làm việc nhiều việc quan trọng sau này.
  • Chương trình nghề trung hạn (2 năm ở FPT Skillking): Bao quát nhiều mảng, tính ứng dụng từ trung bình đến cao (tùy môn). Kiến thức nền ok.
  • Chương trình ngắn hạn (ImGroup): tính thực chiến cao, chỉ tập trung vào 1 mảng. Ứng dụng ngay ở mức độ nho nhỏ, ngành hàng đơn giản thì ok, chứ trên quy mô lớn, hoặc những ngành hàng phức tạp thì dễ vỡ vì thiếu nhiều kiến thức nền tảng.

Nhưng dù bạn học chương trình nào, nếu chưa có kinh nghiệm triển khai chiến dịch thực tế thì mình đều cho làm TTS hết.

Với những bạn học chương trình ngắn hạn và trung hạn thì thường có thời gian thực tập ngắn hơn vì kiến thức của các bạn khá thực tế. Còn các bạn học chương trình chính quy thì phải thực tập lâu hơn vì thiếu tính thực tế.

Tuy nhiên, mình để ý, với những công việc yêu cầu tính phân tích cao, thì các bạn học Đại Học lại có ưu thế. Và mình cũng thấy các bạn học đại học thường có thái độ làm việc tốt hơn, nên sau khi lên chính thức, các bạn thường thăng tiến nhanh hơn.

Tóm lại: dù học chương trình nào đi nữa, thì để làm được trong ngành Digital Marketing (thật ra ngành nào cũng vậy), các bạn phải có trải nghiệm thực tế. Từ lý thuyết đến thực tiễn nó xa lắm. Nên bạn đừng ảo tưởng sức mạnh vào kiến thức lý thuyết của mình.
Tạm kết

Thực tập là giai đoạn bạn bắt đầu được chinh chiến thực tế. Và mục tiêu chỉ nên là cố gắng làm và học hết sức để có càng nhiều trải nghiệm càng tốt.

Đặc điểm của một nơi tốt để thực tập

Một nơi cho bạn làm nhiều, học nhiều mà không trả lương vẫn tốt hơn ngàn lần một nơi trả lương mà không cho bạn làm gì (thực ra là vẫn làm những công việc vớ vẩn.)

Việc quan trọng là bạn cần xác định được nơi nào là phù hợp để thực tập. Một nơi thực tập tốt sẽ như sau:

1 – Cho phép bạn được làm việc, được tham gia vào các dự án thực tế.

2 – Có đào tạo và hướng dẫn bạn làm việc.

3 – Có lộ trình đào tạo và thăng tiến rõ ràng cho thực tập sinh.

4 – Có hỗ trợ chi phí

Có mỗi điều thứ nhất thì là 1 nơi tạm ổn để thực tập.

Có 1 và 2 là 1 nơi tốt để thực tập.

Có 1,2 và 3 là 1 nơi tuyệt vời để thực tập.

Có cả 4 điều thì là một nơi hoàn hảo để thực tập.

Còn nếu không có điều nào thì bạn nên kiếm chỗ khác.

bình luận