Học Thuộc Lòng và Học Vẹt – Sự Nhầm Lẫn Tai Hại Về Phương Pháp Học

Đức ngộ không - Elbert eistein nói về sự sáng tạo

Từ lâu, tôi đã luôn nhầm lẫn giữa hai khái niệm học thuộc lònghọc vẹt. Học thuộc lòng có nghĩa là mang cả tấm lòng và tình cảm của mình ra để học, để tìm hiểu, để khắc cốt ghi tâm. Còn học vẹt là học một cách máy móc, không cần hiểu gì hết, cứ thuộc bài là được.

Tôi tin rằng cụm từ “học thuộc lòng” (cụm từ tôi hiểu sai bấy lâu nay) là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của học sinh. Tôi còn nhớ như in hồi cấp hai, khi học môn Giáo Dục Công Dân, giáo viên luôn bắt chúng tôi về “học thuộc lòng” cái khung tóm tắt sau mỗi bài. Học phải đúng từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Và tôi chẳng bao giờ học cả, trả bài hay kiểm tra thì chấp nhận điểm thấp. Hay hồi học cấp ba cũng vậy. Năm ấy thi tốt nghiệp có môn Địa lý, thế là giáo viên Địa lý phát cho mỗi đứa một cuốn đề cương dày cộm và bắt về học thuộc. Ngày nào cô cũng trả bài giấy cả lớp, nếu đứa nào không thuộc sẽ phải ở lại buổi chiều, học cho thuộc bài thì mới được về. Và tôi đã sử dụng tuyệt kỹ quay bài để khỏi phải ở lại trường học những thứ nhàm chán. Tôi thực sự không hiểu nổi học địa lý cho thật nhiều, học thuộc cả cuốn đề cương mà nhiều bạn vẫn không phân biệt được các hướng Bắc Nam Đông Tây, thì học để làm gì nhỉ? (năm ấy tôi thi tốt nghiệp Địa được 2.5 hay 3 điểm gì đó, cũng chẳng quan trọng).

đức ngộ không học thuộc lòng và học vẹt

Sự nguy hiểm của học vẹt là nó rất dễ tạo ra sự rập khuôn. Nó phá hủy nền tảng tư duy sáng tạo của con người.

Rồi đến môn Ngữ văn cũng vậy. Tôi tin rằng môn này cần nhất là cái cảm nhận của học sinh. Trớ trêu thay, tôi thấy ít có giáo viên nào để ý tới điều này. Những bài văn mẫu, những đoạn văn mẫu, hay những giàn ý đạt chuẩn vẫn được đưa ra để học sinh học thuộc. Sau đó cứ chém gió theo cái khung sườn ấy là được. Hay môn lịch sử thì còn đau khổ hơn nữa, học sinh bị ép học thuộc cả trăm sự kiện và nhân vật, sau đó vài tuần hỏi lại thì trả lời Quang Trung là anh Nguyễn Huệ, Lê Lợi là cha Lê Duẩn. Học thật nhiều cột mốc thời gian nhưng không thể phân biệt được ngày Quốc Khánh và Ngày Thống Nhất Đất nước. (Bạn nào không phân biệt được hai ngày này thì hỏi đại ca Google ngay đi nhé)

Einstein từng nói rằng “Sáng tạo quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức có giới hạn, còn sáng tạo giúp chúng ta mở rộng thế giới.” Thế nhưng tôi thấy rằng sáng tạo chưa bao giờ là trọng tâm của giáo dục Việt Nam. Khi còn là học sinh, các em không được tập thói quen tự tìm hiểu mà phải học theo khuôn mẫu với câu thần chú “học thuộc lòng”. Các em không được phản biện vì luôn phải bám sát theo khung sườn có sẵn. Từ đó hình thành nên thói quen tư duy ỷ lại. Nếu không có sẵn thì không muốn tự tìm hiểu. Gặp vấn đề khó khăn thì dựa dẫm vào những khuôn mẫu đi trước. Cứ bám vào khuôn mẫu thế thì làm sao mà sáng tạo được.

Ngoài giáo dục đạo đức và nhân cách, tôi tin rằng tính sáng tạo nên là ưu tiên số một trong giáo dục. Sẽ tốt biết bao nếu trường học chỉ nên dạy học sinh những kiến thức cơ bản và thúc đẩy tính sáng tạo trong việc áp dụng những kiến thức ấy vào thực tiễn. Còn những lý thuyết phức tạp như đạo hàm, vật lý nguyên tử, hóa học hữu cơ là hoàn toàn không cần thiết vì chẳng áp dụng được vào đời sống. Chỉ nên dạy những kiến thức này cho nhóm nhỏ học sinh thực sự có năng khiếu và đam mê nghiên cứu khoa học.

Một khi được học tập với trong môi trường tự do sáng tạo, các em sẽ tự động học thuộc lòng một cách đích thực tất cả các kiến thức rất dễ dàng. Sự mày mò áp dụng kiến thức này sẽ dẫn dắt các em tự tìm hiểu các kiến thức khác, kết quả là các em sẽ tự tìm tòi học hỏi những kiến thức cao cấp hơn để thỏa mãn sự tò mò vốn là bản năng của con người. Đây chính là phương pháp học tập đã được áp dụng và minh chứng hiệu quả tuyệt vời tại các nước có nền giáo dục phát triển nhất thế giới như Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Hà Lan.

đức ngộ không học vẹt học thuộc lòng và sáng tạo

Sáng tạo luôn luôn nên là trọng tâm của giáo dục

Cuộc đời trường lớp chỉ đến hai mươi mấy tuổi là kết thúc. Sau đó tất cả đều phải bước vào trường đời, một ngôi trường vô cùng khắc nghiệt và có quá nhiều thứ để học và nếu học vẹt thì sẽ không bao giờ học nổi và chúng ta sẽ thụt lùi, sẽ bị bỏ xa lại phía sau. Trong trường đời, chỉ có học thuộc lòng một cách đích thực mới giúp con người phát triển. Sự rập khuôn khiến chúng ta đình trệ. Chỉ có sự sáng tạo và dám dấn thân mới giúp chúng ta tiến bước trong trường đời.

Tôi chúc bạn luôn học bằng cả trái tim, học bằng tư duy sáng tạo và can đảm thực hiện những điều mới mẻ.

bình luận