Lời Hỏi Han Khó Khăn

lời hỏi han khó khăn

“Chị bệnh à” – tôi hỏi khi thấy chị đang lấy vài viên Effaragan trong hộp thuốc ở văn phòng.

“À không, chị lấy cho cô lao công ở khu WC. Cô ấy bệnh mấy hôm rồi, nói cô ấy nghỉ một hôm đi mà cô không chịu nghỉ” – chị trả lời.

À, thì ra là cô lao công túc trực ở khu WC, cô khoảng 50 tuổi, hàng ngày tôi đều gặp cô vì hôm nào cũng phải vào WC vài lần mà. Định bụng rằng uống xong ly C này sẽ ra đó rửa mặt rồi hỏi thăm cô một tiếng.

Sau khi vào nhà vệ sinh để rửa mặt, tôi bước ra với đinh ninh một câu hỏi thăm chuẩn bị sẵn trong đầu. Khi tôi chỉ còn cách cô có vài bước đi thì có 3 người khác cùng tiến đến chỗ tôi, tự dưng trong tôi có một cảm giác ngượng ngùng dâng lên. Cái cảm giác lúc đó giống như là mình chuẩn bị ăn trộm cái gì đó mà bị người khác phát hiện. Thế là tôi bước đi một mạch về văn phòng một cách lạnh lùng.

Cả ngày chiều hôm ấy, tôi miên man suy nghĩ về hành động của mình. Những câu hỏi ập đến trong tâm trí. Chẳng lẻ hỏi thăm một người xa lạ lại là một việc làm sai trái. Phải chăng tôi sẽ bị cười chê khi hỏi thăm một nhân viên vệ sinh. Chẳng lẽ sự quan tâm giữa người với người lại khó khăn đến thế?

Tôi giật mình thấy rằng không biết từ bao giờ tôi đã xây nên một bức tường ngăn cách tôi với những người xung quanh. Bức tường ấy ngăn cách cả những tình cảm giản dị nhất giữa người với người. Đôi khi tôi cũng phớt lờ những ngày sinh nhật của bạn bè được thông báo trên FB. Tôi nhìn thấy người khác bị ngã xe cũng không tới giúp. Và nhiều khi tôi giả vờ không nhìn thấy một người hàng xóm để tránh câu chào hỏi.

Tôi tự hỏi tại sao bản thân mình lại trở nên lạnh lùng và vô cảm như vậy. Có người nói với tôi rằng bức tường ấy được hình thành từ những căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Sau một ngày mệt nhoài với công việc hoặc bài vở, chúng ta đã bị nhồi nhét quá nhiều thứ để suy nghĩ và ghi nhớ. Thêm vào đó là những áp lực về vật chất như thời gian, tiền bạc, nợ nần hay về danh vọng như địa vị, chức tước khiến cho chúng ta không còn sức lực để nghĩ tới những thứ khác như sự cảm thông hay lòng trắc ẩn được nữa. Cứ như vậy, theo thời gian, những áp lực đó dần dần ăn mòn cái Tôi nồng ấm trong ta để lại một cái Tôi lạnh lẽo chỉ nghĩ về vật chất và hư danh.

Ngoài ra lối sống không lành mạnh cũng khiến chúng ta trở nên vô cảm. Rượu bia, thuốc lá, ăn uống vô độ và thói quen lười hoạt động khiến cơ thể phải chống chọi với các loại bệnh tật. Khi cơ thể không khỏe thì suy nghĩ của chúng ta cũng không thể nào sáng suốt được. Bạn cứ thử nhậu một buổi thâu đêm rồi sáng hôm sau tham gia một chương trình từ thiện để xem cảm giác của bạn như thế nào. Lúc đó cơ thể rã rời thì não bộ chỉ nghĩ đến cái giường êm ái chứ chẳng thể sinh ra các cảm giác xúc động hay lòng trắc ẩn gì đâu.

Tôi lại nghĩ rằng hai lý do trên chỉ là thứ yếu mà thôi. Tôi tin rằng nỗi sợ hãi mới là nguyên do chính của vấn đề này. Ngày nay, chúng ta sợ quá nhiều thứ, đặc biệt là nỗi sợ bị người khác làm hại. Chúng ta sợ người khác sẽ nói xấu ta sau lưng, bị lợi dụng, bị gài bẫy, bị lừa, bị đủ thứ các kiểu trên đời mà chúng ta có thể nghĩ ra.  Từ nỗi sợ đó khiến chúng ta cô lập với những người xung quanh, đặc biệt là với người lạ.

Không hiểu vì sao lúc đó tôi lại sợ bị 3 người kia sẽ chê cười khi tôi hỏi thăm một cô lao công nhỉ. Hay vì quan niệm cho rằng lao công là một nghề thấp kém nên việc nói chuyện với những người làm lao công là tự hạ thấp bản thân mình đã ăn sâu vào trong tôi. Tôi nghĩ rằng là do cả hai. Xem ra tôi phải xem xét lại tất cả những nỗi sợ hại và những quan niệm của thân để tôi có thể sống cuộc đời như tôi muốn.

bình luận