Nghiện Shopping – Lý Do & Phương Pháp Chữa Trị

lý giải sự nghiện shopping

Đa số phụ nữ đều thích mua sắm, và không ít đàn ông cũng vậy. Mua sắm hoàn toàn không có gì là xấu mà thậm chí nó còn là nhân tố sống còn cho sự phát triển một nền kinh tế. Mua sắm giúp chúng ta trao đổi các loại hàng hóa cần thiết cho cuộc sống. Nó cũng là một thú vui giải trí và cũng là cách mà nên kinh tế hoạt động. Nhưng không ít người biến việc mua sắm trở thành một nỗi ám ảnh khiến họ không ngừng nghĩ tới việc mua sắm và không thể kiềm chế hành vi mua sắm của bản thân. Giới khoa học đã đặt tên cho nỗi ám ảnh này là căn bệnh hoặc sự nghiện mua sắm (shopping addictions).

Nghiện mua sắm cũng giống như nghiện thuốc lá hay nghiện thuốc phiện. Khi một đặt một điếu thuốc trước mặt một người nghiện thuốc là thì anh ta sẽ chụp lấy là hút ngay lập tức. Nếu không cho anh ta hút thuốc, anh ta sẽ cảm thấy như bị tra tấn, cơ thể gồng lên, nước bọt tiết ra và những cơn ngứa ngáy toàn cơ thể với những cái giật mắt xuất hiện. Tất cả các cảm giác đó làm anh ta cảm tưởng bản thân bị trói buộc vào một cái cột đầy kiến lửa và những con kiến đang ăn sống anh ta từng chút từng chút một. Đối với người nghiện mua sắm cũng như vậy. Nếu họ thấy một món đó nào đó nằm trong cơn nghiện của họ thì họ sẽ quyết tâm mua bằng được mà không cần biết mòn đồ đó có thực sự cần thiết hay không. Nếu không mua được thì họ cũng sẽ có cái cảm giác như bị kiến ăn sống từ từ.

Tôi cũng có một bài người bạn bị mắc căn bệnh nghiện shopping này. Tôi sẽ kể ra đây vài ví dụ để các bạn hình dung căn bệnh này dễ dàng hơn. Thứ nhất là về chị tôi. Cứ mỗi khi Tết đến là chị tôi lại dọn tủ quần áo để soạn ra những thứ không xài đến để đem cho hay đi bán. Mỗi lần như vậy sẽ được khoảng 100 cái quần, áo, váy và với vài chục phụ kiện các loại như thắt lưng, khăn quàng cổ, …. Tất cả chỉ mới được sử dụng 1 hoặc 2 lần, nhiều cái còn chưa từng mặc lần nào. Quần Jean và đồ công sở thì chị gom lại để cho từ thiện. Còn lại những váy áo để đi chơi thì mang ra chợ bán cho cửa hàng quần áo secondhand. Bán hết cả đống chưa đủ tiền để mua 1 cái váy mới. Đấy là mỗi năm chị tôi đều dọn tủ quần áo. Nếu mà để vài năm mới dọn thì chắc chị tôi dư sức mở cửa hàng thời trang secondhand.

Ví dụ thứ hai là về nhỏ bạn thân của tôi. Nó rất ư là tự hào về bộ sưu tập nước hoa của nó. Mỗi sáng chuẩn bị đi làm hoặc khi đi chơi, nó sẽ dành khoảng 20 phút để nhìn ngắm, thử đi thử lại khoảng 50 chai nước hoa và than thở không biết nên chọn mùi nào. Tôi tôi luôn chọc nó rằng “mùi naked” là tốt nhất.

Cuối cùng là về anh bạn của tôi. Anh đang làm việc ở Techcombank và luôn than thở vì đồng lương bèo bọt. Một ngày kia anh tìm được công việc lương cao gấp đôi tại ngân hàng HSBC nhưng rồi lại gặp tôi với cái mặt buồn rười rượi: “anh nợ ngân hàng nhiều quá, không trả nợ nổi, Techcom không cho giải phóng hợp đồng.” Nguyên do là mỗi tháng anh đều lấy thẻ tín dụng đi mua các lại đồ da như giầy, ví, áo khoác, túi xách … hết hạn mức tín dụng thì anh lại vay chương trình ưu đãi dành cho nhân viên nội bộ. Bây giờ có bán hết bộ sưu tập ấy đi cũng chưa đủ trả 1/3 các khoản nợ.

Shopping thực sự hấp dẫn như vậy ư? Tại sao những thứ như quần áo, nước hoa, giày dép, túi xách, … lại làm con người trở nên nghiện ngập như ma túy vậy?

Tôi tin rằng của cải vật chất thôi chưa đủ để mang lại sự lành mạnh cho tinh thần. Chúng ta hạnh phúc nhờ vào cảm giác thân thuộc. Phải chăng đây là nguyên do của những tín đồ shopping và những người hay đổi. Phải chăng họ nghĩ rằng bộ sưu tập của cải vật chất của họ càng lớn thì họ càng hạnh phúc. Nhưng thực ra khi bộ sưu tập càng lớn, họ càng cảm thấy thiếu vì không có gì thân thuộc với họ. Họ tìm kiếm cảm giác thỏa mãn ở những thứ mới nhưng rồi sự thỏa mãn ấy nhanh chóng mất đi vì thiếu sự thân thuộc và lòng trung thành. Họ cô đơn luẩn quẩn trong bộ sưu tập khổng lồ nhưng xa vời của họ.

Ngoài ra, cái cảm giác thỏa mãn nhất thời của sự chiếm hữu cũng là một nguyên nhân của sự nghiện mua sắm. Cái cảm giác khi chọn được một món đồ ưng ý thật tuyệt vời. Kế đến là cái cảm giác trả tiền và cảm nhận món đồ ấy thuộc về mình cũng tuyệt vời không kém. Rồi cuối cùng là cái cảm giác lúc lần đầu tiên sử dụng món đồ ấy thì lâng lâng sung sướng không thể tả. Tất cả cảm giác đó giống như cảm giác khi hút thuốc lá của một người nghiện thuốc. Vì những cảm giác đó chỉ là sự thỏa mãn nhất thời giống như rượu, thuốc lá và ma túy, nên chúng ta sẽ khao khát được trải nghiệm lần nữa, lẫn nữa và lần nữa. Cứ như vậy chúng ta thành một con nghiện.

Tôi nghĩ rằng có bốn cách để thoát khỏi cơn nghiện mua sắm. Cách thứ nhất, những tín đồ shopping nên tập luyện sự trung thành với chính những đồ vật xung quanh họ. Như với anh bạn nghiện đồ da của tôi, sau khi đắn đo mãi anh đã chọn ra hai bộ ưng ý nhất và bán tất cả những thứ còn lại. Anh vay mượn thêm bạn bè và gia đình để trả nợ cho Techcombank. Đến bây giờ là hơn 1 năm anh vẫn không mua thêm một món đồ da nào mới. Anh tự nhủ rằng khi nào những món đồ của anh bị cũ sờn hay hư hại thì anh mới mua cái mới. Những món đồ da của anh thực sự rất bền, nhờ vậy anh tiết kiệm được rất nhiều và đã trả hết nợ nần.

Cách thứ hai giảm thiểu tối đa sự hiện diện của những món đồ gây ám ảnh ấy. Cách này khá hiệu quả với nhỏ bạn của tôi. Nó chọn ngẫu nhiên 7 chai nước hoa rồi xếp thành hàng ngang trên bàn trang điểm. Những chai còn lại nó cất hết vào tủ kín. Mỗi ngày nó sẽ dùng 1 chai nước hoa trong bảy chai kia theo thứ tự từ trái sang phải. Qua tuần sau, nó sẽ chọn ngẫu nhiên 7 chai khác để thay thế. Với cách này, nó tiết kiệm được ít nhất 20 phút mỗi ngày cho việc lựa chọn nước hoa và bản thân nó cũng tự cảm thấy thỏa mãn với số nước hoa đang có. Khi sự lựa chọn ít đi, người ta sẽ trở nên trung thành hơn hẳn.

Cách thứ ba là cách ly những nhân tố hỗ trợ mua sắm như tiền mặt và thẻ tín dụng. Đây là cách mà chị tôi áp dụng. Chị đã tự kiềm chế cơn nghiện mua sắm bằng cách hủy thẻ tín dụng và hạn chế mang theo tiền mặt. Mỗi khi đi mua sắm, chị lên danh sách sản phẩm cần thiết và mang theo vừa đủ số tiền để mua số sản phẩm đó. Mặc dù tháng nào chị cũng mua thêm quần áo mới, nhưng số lượng và tần suất đã giảm hẳn.

Và cách cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, đó chính là đánh lạc hướng cơn nghiện. Mỗi khi nhìn thấy những món đồ hấp dẫn hoặc khi cơn nghiện nổi lên, chị tôi cũng như hai người bạn của tôi luôn phải tiềm kiếm một thứ gì đó khác để làm nhằm quên đi cơn nghiện kia. Chị tôi sẽ lướt facebook. Nhỏ bạn tôi thì vùi đầu vào mấy công thức nấu ăn còn anh bạn ngân hàng kia sẽ nghĩ tới các vụ việc pháp lý nhức đầu thuộc trách nhiệm của anh.

Tôi thấy rằng việc cai nghiện mua sắm dễ hơn cai các loại nghiện khác rất nhiều. Những loại nghiện như nghiệm thuốc lá, ăn uống, hay ma túy ảnh hưởng sâu sắc đến cả tinh thần và thể chất. Còn nghiện mua sắm chỉ ảnh hưởng chủ yếu tới tinh thần. Vì vậy, chỉ cần áp dụng thật tốt phương pháp đánh lạc hướng chú ý cũng đã có hiệu nghiệm rồi. Hãy kiên định để chiến thắng cơn nghiện này và trả lại vị trí cũng như lợi ích thực sự của việc mua sắm như chính bản chất của nó.

bình luận