Hát Với Những Người Bạn – Niềm Vui Thật Giản Đơn

đức ngộ không hát với những người bạn và hạnh phúc giản đơn

“Niềm vui thật giản đơn, bên cây đàn, tiếng hát, chút hơi men và cái se lạnh của gió biển”

Hôm ấy tôi tới thăm chú cũng là để nói lời chào tạm biệt vì ngày mai tôi sẽ về lại Sài Gòn. Hai chú cháu chạy xe dọc đường Trần Phú, chú lái xe, tôi nhìn ra biển đêm vô tận. Đêm Nha Trang thật yên bình và tĩnh lặng chứ không xô bồ, nhộn nhịp và ồn ào như Sài Gòn.

Chú đưa tôi đến một quán ăn nhỏ của một người bạn. Quán nhỏ thôi, trong nhà chỉ có ba bàn tròn, ngoài sân thì chỉ duy nhất một bàn gỗ lớn hình chữ nhật. Những đĩa gốm sứ tao nhã, một vài đồ trang trí bằng trái dừa khô, và vài bức tranh sơn dầu làm cho quán mang đậm tính hoài cổ. Chủ quán tuổi cũng đã xế chiều và yêu nhạc Trịnh.

Đã có 5 người ngồi quanh cái bàn gỗ ngoài sân, thêm tôi với chú nữa là bảy. Tất cả đều là bạn của chú, người trẻ nhất chắc cũng phải trên bốn mươi tuổi, người lớn nhất chắc cũng mấp mé bảy mươi. Trên bàn chỉ có đĩa bò lúc lắc và vài chai bia lạnh. Có vẻ như người Nha Trang có phong cách nhậu khác với người Sài Gòn. Ở Sài Gòn, trên bàn sẽ đầy món nhậu và bia phải tính bằng két chứ không phải bằng chai. Hoặc là họ gặp nhau không phải vì bia hay rượu.

Để mặc cho đĩa bò lúc lắc nguội lạnh, các chú chuyền nhau cây đàn gita, vừa đàn vừa hát những bản nhạc trữ tình của Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Trần Thiện Thanh hay những bản nhạc vàng bất hủ. Phải nói là ai đàn cũng điêu luyện và giọng hát thì tràn đầy cảm xúc. Các chú kể rằng thời sinh viên nhớ nhà thì chỉ biết gặp nhau để đàn để hát cho vơi đi nỗi nhớ. Có chuyện gì cũng hát, buồn hay vui, sung sướng hay đau khổ cũng hát. Vừa kể chuyện thời sinh viên, các chú vừa ôm đàn ngân nga những tình khúc lãng mạng như thể thời sinh viên ấy trở về và đang hiện ra trước mắt.

Một chú khoảng gần năm mươi tuổi ôm cây đàn đầy tư lự. Chú ôm một hồi lâu như cố gắng nhớ lại một điều gì đó, hay cố ngăn một dòng cảm xúc tuôn trào. Rồi chú kể về một người bạn chung của cả nhóm. Người bạn này mới giã từ trần gian vì căn bệnh ung thư. Sau một khoảng lặng nữa, chú cất tiếng hát nghe xa xăm và xót xa. Chú hát cái bài mà người bạn ấy hay hát, rồi chú lại hát một bài mà người bạn ấy tự sáng tác. Thời gian như chậm lại, không gian như cô đặc trong tiếng hát.

đức ngộ không hát với những người bạn và hạnh phúc giản đơn

Các chú cũng động viên tôi hát một bài. Tôi đắn đo lựa chọn trong cái kho âm nhạc nghèo nàn của mình xem coi bài nào phù hợp với phong cách của các chú. Cuối cùng tôi chọn bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của Trịnh Công Sơn. Một chú khoảng 50 tuổi đánh đàn cho tôi hát. Tôi chỉ hát được một đoạn vì không nhớ lời, nhưng đây cũng không là vấn đề gì cả. Ngay khi tôi ngập ngừng, các chú đã hát vang cùng tôi. Tất cả cùng ngân nga những câu hát như một lời cảm ơn cuộc đời vì đã hào phóng cho những người bạn tri kỷ giây phút bên nhau ý nghĩa như thế này.

     “…Tôi là ai mà con ghi dấu lệ,

     Tôi là ai mà còn trần gian thế

     Tôi là ai, là ai, là ai ?

     Mà yêu quá cuộc đời này…”

Với tôi, đêm hôm ấy thật đặc biệt. Tôi được tham gia một bữa tiệc thật lạ lùng. Sáu người đàn ông trung niên với biết bao thăng trầm trong đời ngồi bên cây đàn và tiếng hát, với một chút hơi men và cái se lạnh của gió biển. Tuy rằng những bài hát thấm đượm nỗi buồn nhưng tôi có thể thấy được niềm vui vô biên trong từng con người ấy. Họ nhắm mắt lim dim, đung đưa và vỗ tay nhè nhẹ theo điệu nhạc rồi cười giòn tan và vỗ tay thật lớn mỗi khi kết thúc một bài hát. Nhìn sáu người bạn già ấy, tôi thấy rằng niềm vui thật giản đơn biết bao.

bình luận