Phán Xét Người Khác – Liệu Ta Có Đúng?

Để bắt đầu, chúng ta hãy thử làm một bài trắc nghiệm tâm lý nho nhỏ nhé.

Bây giờ bạn hãy tưởng tượng bạn đang điều khiển một đoàn tàu mất phanh. Con tàu phóng ầm ầm đến một ngã rẽ chạc ba. Ngã rẽ bên phải có 5 người đứng trên đường ray, ngã rẽ bên trái chỉ có 1 người đứng trên đường ray. Bạn sẽ phải quyết định bẻ cua trái hoặc phải, có nghĩa là bạn phải giết một 1 hoặc 5 người.

phán xét người khác

Bạn sẽ quyết định ra sao?

Tôi chắc rằng bạn đã có câu trả lời. Bây giờ tình huống thay đổi một chút. Bạn sẽ quyết định như thế nào khi phía bên phải là 5 người trưởng thành, còn phía bên trái là một em bé đang tập đi. Có lẽ bạn hơi bối rối rồi đấy. Thêm một tình huống khác, nếu bên phải là 5 người bạn không quen biết còn bên trái là một người bạn vô cùng yêu quý – có thể là vợ, chồng hoặc đứa con của bạn thì sao. Và tình huống sẽ phức tạp hơn nữa khi bên phải là 5 đứa trẻ đang chơi đùa và bên trái là đứa con của bạn.

Bài trắc nghiệm trên không có đúng sai. Các tình huống mang đến cho chúng ta cái nhìn đa chiều về đạo đức. Chúng ta cũng thấy rằng trong cuộc sống, đôi khi chúng ta lâm vào những tình huống tiến thoái lưỡng nan, phải lựa chọn giữa lý trí và tình cảm. Những quyết định của ta đều không hoàn toàn đúng, và cũng không hoàn toàn sai. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ điềm tĩnh và bao dung hơn khi phán xét người khác và hành động của họ.

Một giảng viên kể cho tôi nghe về một quyết định làm cho cô ấy rất hối hận. Một hôm cô ấy tới ngôi nhà đang xây dựng của người bạn trai thì thấy anh này tát một người phụ nữ trung niên, thậm chí sau đó còn xô ngã người phụ nữ đó một cách thô bạo. Ngay lập tức, cô ấy bỏ đi và gửi tin nhắn chia tay anh ấy. Anh ta không hồi âm và 2 người không gặp nhau trong một thời gian dài. Sau này, khi nghe một người bạn thân của anh bạn trai này kể lại, cô mới biết tường tận sự việc. Người phụ nữ trung niên kia là hàng xóm kế bên nhà anh. Hôm đó, bà ta đi qua công trường để cằn nhằn và phản đối vì cầu thang nhà anh này hướng thẳng vào bàn thờ nhà bà ta. Trong lúc lời qua tiếng lại, bà ta xô ngã người chị đang mang bầu 7 tháng của anh bạn trai xuống cầu thang. Trong lúc tức giận và phẫn nộ, anh ta đã thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với bà này. Khi biết được sự tình là vậy, cô đã rất hối hận khi chưa tìm hiểu, không cho anh cơ hội giãi bày mà đã vội vã phán xét anh là một kẻ côn đồ, vũ phu.

phán xét người khác

Bạn đã bao giờ phán xét người khác một cách hời hợt và hồ đồ như vậy chưa. Tôi chắc chắn là có. Con người chúng ta thường có thiên hướng phán xét hơn là đánh giánhận xét. Vậy điều gì khác nhau giữa đánh giá-nhận xét và phán xét. Chúng ta sẽ cùng xem ví dụ sau.

“Một thủ quỹ biển thủ số tiền lớn của công ty để chi trả chi phí ca mổ tim cho đứa con trai 3 tuổi và viện phí cho người chồng bị ung thư.”

Khi nhận xét và đánh giá, chúng ta dựa trên hành động và bằng chứng khách quan. Hành động biển thủ là sai, là vi phạm nội quy công ty, vi phạm pháp luật. Người thủ quỹ đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm cho đồng nghiệp thất vọng và gây khó khăn, ảnh hưởng đến toàn thể công ty. Nhưng chúng ta không thể phán xét rằng người thủ quỹ này là một kẻ tham lam, cơ hội và vô đạo đức được. Khi ta phán xét một điều gì đó là chúng ta đã quy kết suy nghĩ của ta là bản chất của điều đó. Mà bản chất là thứ hầu như không thể thay đổi, lay chuyển. Người thủ quỹ ấy phạm tội lần đầu trong cơn túng quẫn chứ có phải là phạm tội liên tục đâu mà quy kết chị là người tham lam.

Hãy vô cùng cẩn trọng khi phán xét một ai đó hoặc điều gì đó vì chắc gì chúng ta đã có đủ thông tin cần thiết. Hãy tập yên lặng, thu thập thêm thông tin, nhìn nhận đa chiều trước khi đưa ra bất kỳ phán xét nào. Với những phán xét sai lầm, nhẹ thì làm người khác bực bội, nặng hơn có thể làm chúng ta mất đi những cơ hội, hủy hoại các mối quan hệ, và rồi người khác sẽ phán xét chúng ta đúng theo cách chúng ta phán xét họ.

bình luận